Một số lưu ý khi lựa chọn và sử dụng hầm biogas composite
Hầm Biogas sử dụng vật liệu composite với những ưu điểm vượt trội và phù hợp với quy mô hộ gia đình nhỏ. Để công trình hầm biogas composite phát huy hiệu quả tốt nhất về mặt kinh tế và môi trường. Bài viết đưa ra một số lưu ý khi lựa chọn và sử dụng hầm.
Bể biogas composite với những ưu điểm vượt trội như: có độ bền cao và kín tuyệt đối, có thể lắp đặt ở những nơi nền móng yếu, lún, nứt; hiệu suất sinh khí của hầm cao; tự phá váng triệt để do sự thay đổi nhiều và liên tục của diện tích mặt váng, trong trường hợp nếu phải thau dọn bể thì việc xử lý là rất đơn giản, nhanh, sạch sẽ, không tốn công lao động; lắp đặt nhanh; tự điều áp, khi lượng gas quá nhiều hầm tự động xả khí thông qua hai cột điều áp, an toàn trong sử dụng; có thể di chuyển hầm đi vị trí khác;… Tuy nhiên, để công trình hầm biogas composite phát huy hiệu quả tốt nhất về mặt môi trường, trong quá trính sử dụng cần lưu ý một số điểm như sau:
1. Lựa chọn kích thước hầm
Tùy theo số lượng gia súc nuôi của từng hộ gia đình mà có thể lựa chọn công trình có kích cỡ khác nhau.
Với công trình biogas composite cỡ gần 4m3 có thể áp dụng cho hộ gia đình nuôi từ 5 – 15 đầu lợn.
Với công trình biogas composite cỡ gần 7m3 có thể áp dụng cho hộ gia đình nuôi từ 15 – 30 đầu lợn.
Với công trình biogas composite cỡ gần 9m3 có thể áp dụng cho hộ gia đình nuôi từ 30 – 60 đầu lợn.
Lưu ý: Có thể áp dụng phương pháp quy đổi sau để lựa chọn kích thước hầm cho phù hợp: 01 lợn nái bằng 1,5 đầu lợn thịt; 01 con trâu, bò, ngựa bằng 3 đầu lợn thịt quy đổi; 05 con gia cầm bằng một đầu lợn quy đổi.
2. Vận hành hầm biogas composite
Toàn bộ phân đổ vào không nên cho rơm rạ, trấu, cành cây, làm tắc đường vào và đường ra của bể
Không đổ vào bể các loại hóa chất diệt khuẩn như xà phòng, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh… điều đó sẽ làm chết các vi khuẩn trong bể.
Đảm bảo tỉ lệ pha loãng giữa phân và nước tốt nhất là 1:1 hoặc 1:1,5. Trong thiết kế chuồng trại nên làm hai hệ thống thoát nước, một xuống bể biogas và một thoát ra rãnh nước chung để nước tắm, nước vôi, dầu mỡ, nước xà phòng hoặc thuốc sát trùng, phân gia súc ốm đang dùng kháng sinh sẽ được kiểm soát không cho chảy vào hầm biogas.
3. Xử lý chất thải sau Biogas
Chất thải sau khi xử lý qua hầm biogas không thải trực tiếp ra môi trường, ra ruộng canh tác nông nghiệp,….
Xây dựng hệ thống thu gom chất thải này (bể phân giải hiếu khí) dẫn ra hồ sinh học để hệ sinh vật thủy sinh tiếp tục chuyển hóa và phân hủy các chất hữu cơ ở dạng hòa tan nhằm làm giảm hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải hoặc thu gom và sử dụng tưới cho cây trồng.
Lương cặn bã phát sinh kết hợp với chất độn như: tro bếp, trấu để ủ từ 30 – 45 ngày để bón cho cây trồng.